Tại Hệ Thống Giáo Dục CEO Việt Nam Global High School, chúng tôi tin rằng giáo dục không chỉ là việc truyền đạt kiến thức mà còn hướng đến mục tiêu kiến tạo môi trường học đường hạnh phúc và tích cực cho học sinh.
TS. Hoàng Thị Thanh Huyền – Tổ trưởng Tổ KHXH – Giáo viên bộ môn Ngữ Văn tại CEO High School, đã chia sẻ những suy nghĩ sâu sắc và định hướng của mình về việc xây dựng một môi trường học đường văn minh và hạnh phúc sau khóa tập huấn “Hiểu Thầy để thương Trò”:
Hạnh phúc là gì? Nhiều người cho rằng đó là sự cảm nhận tích cực về cuộc sống mà chúng ta có được khi cảm thấy những nhu cầu và mong mỏi của mình được đáp ứng. Một cốc nước mát cho người bộ hành giữa trưa hè nắng gắt, đó là sự thoả mãn, là hạnh phúc. Một học sinh vượt qua kì thi đầy cam go, thử thách với kết quả đáng tự hào, là hạnh phúc, là niềm vui… Tuy nhiên, hạnh phúc không dừng lại ở đó. Nó không đơn giản là mục đích hay kết quả mà mỗi người đạt được. Hạnh phúc là con đường, là quá trình, là sự đồng hành, lắng nghe và thấu hiểu. Đó cũng là những yếu tố cốt lõi mà tôi học được từ khóa tập huấn Hiểu thầy để thương trò do trường THPT Phạm Ngũ Lão tổ chức trong 02 ngày 30, 31/7 vừa qua.
Khoá tập huấn đã mở ra cho tôi một cánh cửa mới, được khám phá những giá trị cốt lõi về tâm lí và cảm xúc của bản thân, từ đó hiểu rõ hơn về cách mà mình có thể đồng hành cùng học sinh. Tôi nhận ra rằng, khi tôi hiểu rõ cảm xúc và nhu cầu của chính mình, tôi mới có thể thực sự lắng nghe và thấu hiểu các em. Sự thấu hiểu này không chỉ giúp tôi trở nên gần gũi hơn với học sinh, mà còn giúp tôi xây dựng một mối quan hệ thầy trò gắn bó và tin tưởng lẫn nhau. Vì vậy, hãy để sự lắng nghe và thấu hiểu trở thành phần không thể thiếu trong quá trình dạy học của người giáo viên, hãy để trái tim của mỗi thầy cô chúng ta luôn rộng mở để đón nhận những câu chuyện, cảm xúc và tình cảm từ những học sinh của mình.
Nhìn lại hành trình đã qua, tôi hiểu rằng hạnh phúc của một giáo viên được xây dựng từ sự đồng hành, lắng nghe, chia sẻ và thấu hiểu học sinh. Khi người giáo viên có được hạnh phúc, họ sẽ lan tỏa năng lượng tích cực đến với học sinh, tạo điều kiện cho học sinh tự do khám phá, sáng tạo và học hỏi. Hơn nữa, hạnh phúc của thầy cô còn lan tỏa đến đồng nghiệp, gia đình và cộng đồng, tạo nên một vòng xoáy tích cực, nơi mà mỗi cá nhân đều được khích lệ để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Tôi chợt nhớ đến câu nói thiền sư Thích Nhất Hạnh: “Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới”. Câu nói không chỉ là một chân lí, mà còn là một lời cam kết, một lời nhắc nhở về sức mạnh của hạnh phúc trong nghề giáo.
Tôi tin rằng, với lòng yêu nghề, sự tận tâm và những bài học từ khóa tập huấn, tôi sẽ tiếp tục mang đến những điều tốt đẹp nhất cho học sinh của mình. Bởi tôi hiểu rằng, khi chúng ta sống và giảng dạy với trái tim hạnh phúc, chúng ta đang gieo những hạt giống của hi vọng và yêu thương vào tương lai của thế giới.
Những chia sẻ của TS. Hoàng Thị Thanh Huyền sau khóa tập huấn “Hiểu Thầy để thương Trò” đã khẳng định rằng, khi giáo viên thực sự lắng nghe và thấu hiểu học sinh, họ không chỉ tạo ra sự kết nối sâu sắc mà còn góp phần xây dựng nền tảng của trường học hạnh phúc. Đây không chỉ là bí quyết để nâng cao chất lượng giáo dục mà còn là con đường dẫn đến niềm vui và nhiệt huyết trong công việc giảng dạy. Thực hành lắng nghe và thấu hiểu, vì thế, không chỉ là trách nhiệm mà còn là chìa khóa mở ra cánh cửa hạnh phúc bền lâu cho cả giáo viên và học sinh.